Tiểu sử
SAIGON -- Nhà văn nữ lão thành Tùng Long đã từ trần tại Việt Nam, hưởng thọ 93 tuổi.
Bản Cáo Phó từ gia quyến nhà văn có ghi các thông tin như sau:
“Bà Quả Phụ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, nhũ danh LÊ THỊ BẠCH VÂN, bút hiệu TÙNG LONG, đã từ trần vào ngày 26 tháng 4 năm 2006 tại Việt Nam.
Hưởng thọ 93 tuổi.
Tang lễ sẽ cử hành tại Sàigòn, ngày 28 tháng 4 năm 2006.”
Nhà văn Tùng Long, thường được đồng bào gọi bằng cách tôn kính “Bà Tùng Long,” nổi tiếng với cả nghề báo lẫn nghề văn.
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Năm trong bản tin của phóng viên Lam Điền đã ghi về bà như sau:
“Nhà văn với bút danh quen thuộc Bà Tùng Long đã qua đời tại tư gia lúc 17g15 ngày 26-4 sau một thời gian dài lâm trọng bệnh.
Ra đi ở độ tuổi 92, Bà Tùng Long là một trong những người thuộc lớp nhà văn thành danh tại Sài Gòn trước 1975. Bà tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1915 tại Đà Nẵng, lập nghiệp bằng nghề viết văn tại Sàii Gòn và thành công ở thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội.
Bà cũng là người đầu tiên lập ra mục “Gỡ rối tơ lòng” trên một số báo ở Sài Gòn trước 1975, tạo nên tiền lệ giải đáp thắc mắc về tâm lý, tình cảm của phụ nữ trên mặt báo Việt Nam.
Sự nghiệp sáng tác của bà gồm 60 tiểu thuyết (trong đó có 16 tiểu thuyết được tái bản sau 1975), chủ yếu đề cao vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống, cổ xúy cho việc bình đẳng nam nữ, giáo dục việc xây dựng hôn nhân gia đình.
Các tác phẩm tiêu biểu như: "Bóng người xưa, Người xưa đã về, Giang san nhà chồng, Mẹ chồng nàng dâu, Vợ lớn vợ bé, Duyên tình lạc bến, Hứa hẹn, Mưa dầm thấm đá, Đời con gái"... Tác phẩm cuối đời của bà là tập hồi ký xuất bản năm 2003. Sách của bà đã được Công ty Phương Nam mua bản quyền từ năm 2004.
Tang lễ cử; hành tại tư gia (6 Đinh Bộ Lĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.SG), lễ động quan vào lúc 7g ngày 29-4-2006 (mồng 2-4 âm lịch), linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang Trung Việt ái hữu (Quận Thủ Đức).”
Một người con trai của bà cũng nổi tiếng trong nghề văn là nhà văn Nguyễn Đức Lập, đang ở Quận Cam, cũng là một huynh trưởng Hướng Đạo nhiều thập niên.
Tuy Bà Tùng Long nổi tiếng và thành công, nhưng bà lại là một người rất khiêm tốn.
Bà Tùng Long từng giải thích về mình trên tờ Lao Động mấy năm trứơc như sau:
“...Văn của tôi chịu ảnh hưởng từ nhóm Tự Lực Văn Đòan. Đối tượng trong tác phẩm thường là phụ nữ, giọng văn không hoa mỹ, mà giản dị, đi thẳng vào lòng người...”
(phỏng theo Việt Báo ghi nhận số 4042 ra ngày today - 4/27)
Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật
Nhà văn nữ Bà Tùng Long đã từ trần vào chiều ngày 26 tháng 4
năm 2006 (29 tháng 3 năm Bính Tuất) tại Sài Gòn, Việt Nam,
hưởng thọ 92 tuổi. Ngày 29 tháng Tư, bà yên nghỉ tại nghĩa trang
Trung Việt ái hữu ở Thủ Đức. Bà là nhà giáo, nhà báo rồi trở thành
nhà văn có nhiều tác phẩm nhất trong nữ giới.
Tình Yêu & Sự Nghiệp
Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 01 tháng 8
năm 1915 tại Đà Nẵng. Trên giấy tờ ghi sinh ngày 21 tháng 4 năm
1915 tại Hội An. Trong quyển Tâm Tình Với Nghệ Sĩ của nhà báo
Lê Phương Chi, NXB Thanh Niên, 2001 cho biết:
"Sở dĩ có sự ghi sai ngày sinh của bà như vậy vì vì bấy giờ Đà Nẵng (tức Touranne) là
thuộc địa của thực dân Pháp, nên thân phụ của bà không muốn con mình là dân xứ thuộc
địa, mới về Hội An, quê Nội, làm giấy khai sinh cho con. Còn ngày tháng trong khai sinh
ghi lộn xộn là vì lý do chính trị: Thân sinh của bà lúc đầu tùng sự trong một công ty
ngoại quốc, có tham gia phong trào Duy Tân do nhà cách mạng Phan Thành Tài (cha của
Phan Bá Lân và Phan Thuyết, sau nầy là giáo sư của các trường Trung học tư thục Chấn
Thanh và Đạt Đức) dẫn đầu. Thân phụ của bà làm liên lạc viên cho phong trào. Khi
phong trào tan vỡ, ông Phan Thành Tài bị thực dân Pháp bắt đưa lên đoạn lầu đài, và một
số khác bị đày Côn Đảo.
Trước hiểm họa ấy, thân mẫu bà lánh về Hội An ẩn náu với mẹ chồng. Bấy giờ bà nội
của bà cũng đã già yếu. Vì chữ hiếu, buộc lòng thân phụ bà phải thi vào Sở Douanes
(Thương Chính). Đó là lý do cô bé Lê Thị Bạch Vân khai sinh ở Hội An và ghi lệch ngày
chào đời ở Đà Nẵng".
Bà học xong bậc Tiểu học tại Đà Nẵng rồi ra học một năm Trung học trường Đồng
Khánh Huế.
Năm 1932, thân phụ bà, cụ Lê Tường, đổi vào Sở Douanes Sài Gòn, bà tiếp tục theo học
Trung học tại Collège Des Jeunes Filles Indigènes, gọi là Trường Áo Tím vì nữ sinh mặc
đồng phục áo dài màu tím. Sau đổi thành Trường Gia Long và hiện nay là Trường
Nguyễn Thị Minh Khai.
Tình yêu của bà trong tuổi thanh xuân cũng là cơ hội và môi trường để dấn thân vào nghề
báo, nghiệp văn khi gặp gỡ nhà báo Hồng Tiêu.
Nhà báo Hồng Tiêu là em ruột của nhà báo Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, quê quán ở
Quảng Ngãi. Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985) đã dấn thân vào nghề báo với tờ
Bà Tùng Long, thời trẻ.
Công Luận (1916-1939), Đuốc Nhà Nam (1928-1937), Trung Lập (1924-1933)... Nhà
báo Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968) sáng lập tờ Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929
và đình bản vào năm 1934, chủ nhiệm tờ Sài Gòn (Hồng Tiêu làm chủ bút), sau nầy đổi
thành Sài Gòn Mới...
Cụ Lê Tường cũng cộng tác với tờ Nam Phong (1917-1934), Hữu Thanh (1921-1924)...
vì vậy khi gặp nhà báo Hồng Tiêu, xem như bạn đồng nghiệp và "vong niên", cùng hoạt
động trong Hội Trung Việt Ái Hữu nên lúc đó nhà báo Hồng Tiêu "...thường tới bàn thảo
công việc với cha tôi, và hay gợi ý cho tôi viết báo, rồi giao tôi phụ trách Trang Phụ Nữ
của báo Sài Gòn, lẽ dĩ nhiên là được cha cho phép và khuyến khích. Và sau đó cũng cha
tôi tác hợp hôn nhân cho chúng tôi" (LPC- sđd).
Theo Lê Phương Chi: "Đúng ra, nguyên quán anh em ông Hồng Tiêu ở tỉnh Quảng Nam,
nhưng cụ Tổ xưa kia làm quan ở Bình Thuận. Khi đau nặng, gia nhân đưa về ngang
Quảng Ngãi, thì mãn phần tại đây. Cụ bà (là cô của tiến sĩ Phạm Liệu, một trong Ngũ
Phụng Tề Phi xứ Quảng) là mẹ của anh em ông Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy sau nầy, ở
lại nơi chôn ông cụ để cư tang đái hiếu. Và rồi nơi đây trở thành quê hương thứ hai của
tộc họ Nguyễn Đức...".
Ông Phạm Liệu (1872-1936), khi làm Án Sát Quảng Ngãi, là người phát giác đầu mối để
thông báo cho tòa Khâm ra lệnh đàn áp cuộc khởi nghĩa Duy Tân tháng 5 năm 1916,
trong khi đó thì thân phụ của bà tham gia trong phong trào Duy Tân. Nhiều nhân vật khởi
nghĩa bị tử hình và hạ ngục. Cụ Lê Tường đã sát cánh cùng các cụ Trần Cao Vân, Thái
Phiên, Phan Thành Tài, Lê Cơ, Lê Cảnh Hận, Lê Đình Dương, Lê Ngung... làm sao quên
được nỗi đau khi dấn thân cho đại cuộc? Nhưng thân phụ bà đã cảm nhận vận nước cơ
trời để tạo dựng bước đường mới cho tương lai cho con.
Năm 1935, bà kết hôn với nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy.
Sinh hoạt trong nghề báo thời gian, khi tờ Phụ Nữ Tân Văn đình bản, bà thuê
"manchette" tờ Tân Thời, làm chủ bút, chủ trương về vấn đề phụ nữ và đời sống, được sự
hợp tác của các bạn học năm xưa đóng góp để có tiếng nói trong làng báo. Được thời
gian, vì có sự rắc rối nên bà bỏ tờ báo đi dạy ở trường Tôn Thọ Tường và chỉ viết cho tờ
Sài Gòn.
Năm 1936, bà hạ sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh Hương.
Đệ Nhị thế chiến bùng nổ, năm 1940 quân Nhật vào Đông Dương, sự thống trị của Pháp
và sự xâm lăng của Nhật đã tạo nhiều bất ổn trong nội tình ở Việt Nam. Nhiều tổ chức
đảng phái nổi dậy nhằm tạo cơ hội phục quốc nhưng rồi bị đàn áp, khủng bố... gây thêm
tang tóc cho đất nước. "Năm 1944, Sài Gòn bị máy bay quân Đồng Minh thả bom" (LPS
- sđd) mọi nguời tìm cách sơ tán, ông Hồng Tiêu bỏ công việc để trở lại Quảng Ngãi, tâm
sự của ông được trang trải qua bài thơ Cố Hương:
"Qua sông ta gọi con đò
Lòng ta như nắm chỉ vò trong tay...
... Cố hương ơi! cố hương ơi!
Người con mặt mốc chân trời về đây
Tư bề lặng lẽ gió mây
Vô tình nước chảy mây bay một chiều!".
Ông về tận vùng hẻo lánh ở Ba Gia, Đồng Ké thuộc xã Nghĩa Kỳ, quận Tư Nghĩa để
nương náu. Sau đó, bà mang 3 đứa con thơ Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Nghi
Xương và Nguyễn Đức Trạch để vợ chồng khổ cực có nhau. Nhận thấy dân quê còn mù
chữ nên bà mở lớp trường, dạy học trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn mọi phương
tiện. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, gia đình bà kẹt luôn ở đó nên bà tiếp tục dạy
hoc.
Qua bốn năm dạy học, Ty giáo dục địa phương mời bà làm liên Hiệu trưởng các trường
quanh vùng Nghĩa Kỳ. Nơi đây, bà sinh hạ thêm 3 người con trai là Nguyễn Đức Lập,
Nguyễn Đức Thạch và Nguyễn Đức Thông. Sống ở làng quê với bao gian khổ và nghèo
khó, tương lai đen tối nên quyết định ra đi. Năm 1951, bà dẫn 6 người con trốn về Hội An
rồi lên tàu Demifère về lại Sài Gòn; trong chuyến tàu nầy có nhà thơ Bùi Giáng nên quen
biết nhau từ đó.
Ông Nguyễn Đức Nhuận cùng Nguyễn Ngu Í giả điên để tránh sự dòm ngó của chính
quyền địa phương rồi tìm đường vượt thoát, năm sau ông lên tàu nhưng chuyến đó đưa ra
Côn Đảo, ông trở lại Đà Nẵng thì bị tai nạn xe cộ, gãy chân, bà lặn lội ra quê để đưa
chồng về Sài Gòn.
Năm 1952, bà dạy Pháp văn và Việt văn tại các trường Les Lauries, Tân Thịnh, Đạt
Đức... nhưng đồng lương không đủ sống nên bà viết "feuilleton" cho các nhật báo. Tên
tuổi Bà Tùng Long được nổi danh từ đó.
Năm 1954 trở đi, bà cộng tác rất nhiều tờ báo, bà chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên tờ
Sài Gòn Mới và Tâm Tình Cởi Mở trên tờ Tiếng Vang. Bút hiệu Bà Tùng Long được độc
giả ái mộ.
Trả lời cuộc phỏng vấn của Lê Phương Chi, Bà Tùng Long cho biết: "Tôi viết văn là chịu
ảnh hưởng của cha từ khi tôi còn nhỏ... Còn tôi làm báo thì do chồng tôi khuyến khích".
Về bút hiệu Bà Tùng Long, bà giải thích: "Các vị nho học của chúng ta có câu "Văn Tùng
Long, Phong Tùng Hổ' nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp... Tôi tên Vân cho nên lấy
bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi
dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho
nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt... Hồi còn trẻ bà Đạm Phương thường dùng danh từ
Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ... Riêng tôi
không dám tự hào là nữ sĩ, nên tôi không ký Tùng Long nữ sĩ...
Chẳng hạn như bà Staẽl và bà Maintenon bên Pháp, lúc nào cũng ký dưới bài báo và
những cuốn sách của mình viết về các vấn đề giáo dục và phái nữ, là Madame Staẽl,
Madame Maintenon. Rồi về sau văn học sử Pháp cũng ghi bút danh của các bà ấy với từ
Madame đứng trước bút hiệu.
Còn tôi, trong các mục Gỡ Rối và Giải Đáp, tôi ký Bà Tùng Long là để gần gũi với phái
nữ. Vả lại, như vậy các nữ độc giả sẽ tin cậy và dễ bộc lộ tâm tình hơn là chỉ ký Tùng
Long, họ có thể nghĩ lầm tôi là phái nam thì họ sẽ ngần ngại khi muốn bộc lộ tâm tình".
Vừa đi dạy, hướng dẫn đàn con học hành, vừa viết báo, viết tiểu thuyết có lúc 4, 5
"feuilleton" cho các nhật báo. Trong 2 thập niên, từ năm 1956 đến năm 1972, có khoảng
50 tác phẩm được ấn hành.
Bà là người rất khiêm nhượng, trong quyển Hồi Ký Bà Tùng Long, NXB Trẻ và Công ty
Văn Hóa Phương Nam ấn hành năm 2002, nhân dịp mừng thọ bà bà 88 tuổi. Bà bày tỏ:
"Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để
nuôi con, chỉ thế thôi". Và, "Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết
văn chỉ là nghề tay trái mà thôi".
Trả lời ký giả Trần Quân báo Time ở Sài Gòn năm 1961, bà cho biết: "Tôi viết văn để
nuôi con. Khi nào các con tôi, đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em của nó, bấy giờ
tôi sẽ nghỉ viết". Vì vậy, năm 1972, bà gác bút quy ẩn. Thời điểm đó, con gái út của bà là
Nguyễn Thị Phương Chi, tốt nghiệp đại học. Bà đã giữ đúng lời hứa trước kia.
Đối với bà, như lời nhà văn Nguyễn Đức Lập, hiện cư ngụ tại Nam California, anh có kể
lại rằng vào những ngày cuối đời, bà thường nói đùa rằng, bà đã viết nhiều, đủ các thể
loại, nhưng tác phẩm mà bà ưng ý nhất là chín người con, 5 gái, 4 trai, mà cho đến nay
thì không hao hớt người con nào, và đều nên người cả...
Bà có 9 người con: Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Nghi Xương, Nguyễn Đức
Trạch, Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Đức Thạch, Nguyễn Đức Thông, Nguyễn Thị Thanh
Bình, Nguyễn Thị Thanh Thái, Nguyễn Thị Phương Chi. Hiện nay có 5 người (3 gái, 2
trai ở Việt Nam), 3 người ở California và 1 người ở Tây Đức.
Tâm Hồn Nhà Văn
Qua các tác phẩm của bà trong thập niên 50 như: Lầu Tỉnh Mộng (1956), Tình Duyên
(1956), Ngày Mai Tươi Sáng (1956), Ai Tình & Danh Dự (1957), Chúa Tiền Chúa Bạc
(1957), Còn Vương Tơ Lòng (1857), Giang San Nhà Chồng (1957), Hai Trẻ Đánh Giày
(1957), Hoa Tỷ Muội (1957), Mẹ Chồng Nàng Dâu (1957), Nhị Lan (1957), Một Người
Chị (1957), Tấm Lòng Bác Ai (1957), Vợ Lớn Vợ Bé (1957), Tình Vạn Dặm (1958),
Tình & Nghĩa (1958), Vợ Hiền (1958)...
Trong thập niên 60 như: Trên Đồi Thông (1963), Con Đường Hạnh Phúc (1963), Giòng
Đời (1966), Ai Là Mẹ (1967), Bên Suối Chi Lan (1967), Biệt Thự Mỹ Khanh (1967),
Chọn Đá Thử Vàng (1967), Duyên Lành (1967), Giữa Cơn Sóng Gió (1967), Một Bóng
Người (1967), Những Phút Chia Ly (1967), Tình Câm (1967), Tờ Di Chúc (1967)...
Sự nghiệp sáng tác của bà khoảng 60 tác phẩm (trong đó có 16 tiểu thuyết được tái bản
sau 1975).
Truyện của bà đưa ra những thao thức, trắc trở trong đời sống, hoàn cảnh nghiệt ngã...
nhưng rồi kết cuộc cũng tạo được niềm cảm thông, tìm được lối thoát cho cuộc sống. Nhà
văn đề cập về tâm lý xã hội có tính cách giáo dục, xây dựng hôn nhân gia đình, ca ngợi
tình yêu, đề cao vai trò của nữ giới trong xã hội.
Trong chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng và Tâm Tình Cởi Mở, bà cố gắng tìm phương cách
giải đáp để hàn gắn vết thương và mang tính nhân bản trong đời sống. "Tôi không bao
giờ khuyên các cặp ly dị. Mọi chuyện đều có thể hàn gắn. Trước khi đưa ra lời khuyên,
tôi luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh những người gặp rắc rối với tư cách là người chị,
người bạn, người thân của họ..." (Trả lời cuộc phỏng vấn trên báo Lao Động, tháng 4
năm 2003)
Trong đời sống và công việc, bà cư xử với đồng nghiệp với tấm lòng và sự tử tế. Nhà văn
Hoàng Hải Thủy qua thời gian cộng tác với tờ báo đã đề cập đến bà với những dòng trân
quý.
Từ nhỏ, bà theo Tây học nhưng lúc nào bà cũng giữ được phong tục và truyền thống Á
Đông, bà đem nếp sống đó đưa vào văn nghiệp.
Là nhà giáo, qua bao thập niên, học trò của bà vẫn tôn kính cô giáo đã tận tâm hướng
dẫn. Bà cho biết: "Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết văn chỉ là
nghề tay trái mà thôi".
Trong sinh hoạt xã hội, vào đầu thập niên 60, bà giữ chức Tổng thư ký Hội Phụ Nữ Việt
Nam, đăc cử Dân biểu tỉnh Quảng Ngãi trước ngày cách mạng 1 tháng 11 năm 1963.
Sau 3 thập niên gác bút, Hồi Ký Bà Tùng Long vừa được NXB Trẻ và Công ty Văn hóa
Phương Nam phát hành nhân dịp mừng thọ bà 88 tuổi.
Cuốn Hồi Ký của bà chưa nói hết những gì mà độc giả mong đợi vì hoàn cảnh xã hội và
sự hệ lụy của con cái.
Tháng 4 năm 1975, con gái bà, làm việc ở MACV lo thủ tục để gia đình ra đi nhưng lúc
đó có 2 người con trai còn kẹt ở chiến trường nên vợ chồng bà không nỡ ra đi. Cũng như
bao bà mẹ khác, bà mang nỗi khổ đau khi những đứa con bị tù tội, vài tờ báo mời bà cộng
tác trở lại nhưng bà từ chối.
Qua lời anh Nguyễn Đức Trạch, bà chỉ mong sao mẹ con được gần bên nhau nhưng thời
cuộc đã làm cho gia đình phân ly nên bà mang nỗi buồn và chỉ tìm niềm vui với đàn
cháu.
Nối nghiệp song thân, trong nước có Nguyễn Đức Thông với bút hiệu Nguyễn Đông
Thức và ở hải ngoại có nhà văn Nguyễn Đức lập.
*
Mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Đức Trạch, làm thơ với bút hiệu Trạch Gầm, cùng tôi ngồi
uống café với nhau. Sáng thứ Tư, 26 tháng 4, vắng bóng anh, khi hỏi thăm, thân mẫu anh
qua đời. Anh không về được để tiễn đưa người mẹ hiền về cõi thiên thu! Nỗi đau của anh
cũng giống tôi nhưng anh ở cách xa vạn dặm còn tôi, trên cùng một mảnh đất mà không
được nhìn nhau lần cuối! Anh gởi tôi bài thơ Lời Gởi Mẹ, 32 câu, xin trích 4 câu cuối:
"Bây giờ trong cõi hư vô ấy
Mẹ thảnh thơi rồi có phải không?
Giọt sầu mất nước giờ hóa đá
Mây nước quê hương cung lạc dòng!"
Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ người quá cố!
Vương Trùng Dương
Việt Báo
1-5-06
Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long
Gửi ý kiến của bạn