Tiểu sử
Ký sự nhân vật: Trâm Lê - Linh hồn của ban kịch “Club O' Noodles” và những nhiệt tình hiếm hoi của tuổi trẻ
Wednesday, October 20, 2004
Trâm Lê theo cha mẹ trên một chuyến tàu Hải Quân VN, đến Guam rồi sang Hoa kỳ lúc mới lên hai, còn đi chập chững. Cô bé ấy ngày nay đã nói, đọc, viết được thông thạo tiếng Việt, nhất là viết và đóng những vở kịch Việt Nam, có chủ đề xây dựng cộng đồng và gây được tiếng vang tại hải ngoại, một điều không phải ai cũng làm được, ngay cả đối với những người đã sinh hoạt với văn chương, chữ nghĩa qua nhiều năm.
Ý nghĩ của Trâm Lê là cộng đồng VN tại Nam Cailfornia còn nặng hay thiên về bảo thủ. Về văn hóa và văn nghệ giải trí, chúng ta có Thúy Nga, Asia, phim bộ Đại Hàn, Trung Quốc, tuồng cải lương và những vở kịch đã dược diễn đi diễn lại từ nửa thế kỷ nay. Những Trà Hoa Nữ, Nghêu-Sò-Ốc-Hến, Con Gái Chị Hằng, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài... Những bộ phim cũ được in lại như Chiếc Bóng Bên Đường, Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương... Những tác phẩm này không phải là dở, nhưng chúng ta cứ quanh quẩn hoài vào đó, không thoát ra được và không có gì đổi mới, không có sáng tạo mới, không phát triển thêm cho phù hợp với những cảm quan mới của những con người mới. Không có một nhóm kịch nào, một ban nhạc nào của những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, không có một nhịp cầu nào được tiếp nối giữa già và trẻ, cũ và mới. Người trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ xem đây là quê hương của họ, và họ phải lăn vào để học hỏi, thở hít không khí này, trong khi những người già thuộc thế hệ thứ nhất xem đây là đất tạm dung, với những cảm quan cũ, luôn luôn nhớ về quá khứ, không du nhập được với xã hội mới. Nay mai, nếu lớp tuổi ấy già đi, lấy ai là người tiếp nối, và lớp trẻ lớn lên sẽ bỏ đi xa cộng đồng?
Đã đến lúc cộng đồng Việt Nam phải “reinvent entertainment”, phải theo kịp các cộng đồng bạn, và chính vì vậy nhóm “Club O'Noodles” cũng theo dõi tìm hiểu sinh hoạt của các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ như Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa, Ấn Độ... để bổ túc cho công việc làm của mình.
Năm 1993, trong thời gian theo học Cal State Northridge, Trâm Lê đã cùng bạn bè lập ban kịch “Club O'Noodles” qui tụ một số bạn trẻ. hiện nay có thêm Uyên Huỳnh là Aristic Director và đã trình diễn nhiều lần tại các sân khấu các trường đại học khắp nước Mỹ và được các bạn trẻ sinh viên Việt Nam rất hoan nghênh.
Nguyên tắc soạn kịch của nhóm “Club O' Noodles” là soạn đề tài, xong các diễn viên vào kịch, tự ứng xử với hoàn cảnh và tình huống theo nội dung của vở kịch, kể cả ứng khẩu đối thoại. Một người ngoài cuộc, theo dõi và sau đó viết nên kịch bản, dược góp ý và bổ túc của tất cả các thành viên của nhóm. Nhóm kịch nhiều người tham gia hay ít là do kịch bản. Về nội dung, kịch đề cập thẳng đến các vấn đề của cộng đồng, đả kích các mặt tiêu cực không khoan nhượng. Đề tài của các vở kịch phong phú, không lúc nào thiếu: Một cuộc thi hoa hậu, chuyện bầu cử, hậu quả của chiến tranh, chuyện tình, chuyện ma... Phần lớn những vở kịch của “Club O' Noodles” cho ta những nụ cười thoải mái, vì chủ yếu của nhóm chủ trương những viên đạn bắn vào thành trì cố hữu của thói hư, tật xấu luôn luôn được bọc đường để cho người xem dễ nuốt. Những chuyện xảy ra trên nước Mỹ, chung quanh ta nhưng nhiều khi người ta không để ý tới, nó làm cho người xem ở hải ngoại thích thú, và đương nhiên chuyện nước Mỹ sẽ làm cho người trong nước vui thích theo dõi. Vì luôn luôn đem những những cái xấu phơi bày ra để dã kích, mặc dầu mục đích là để xây dựng, “Club O'Noodles” luôn luôn bị dư luận thủ cựu chỉ trích và phê phán nặng nề.
Nghề kịch, nhất là nhóm trẻ không nuôi lấy nổi bản thân, nên “Club O' Noodles” được nhiều bạn bè, ân nhân yểm trợ về mặt tài chánh, nhưng vì đường lối của nhóm kịch, nhiều vị không ai muốn để lại danh tánh, vì những điều mà “Cup O' Noodles” muốn bày tỏ với người xem nhiều lúc là những điều chưa ai có can đảm nói tới trước đây, có thể đụng chạm tới những tâm hồn nhạy cảm. Câu châm ngôn của “Club O' Noodles” là “Let's think ouside the cup. If it's been done before, we won't do it” đã nói lên sự vượt thoát cái cũ để đi tìm cái mới sáng tạo của nhóm trẻ này.
Từ năm 1995, sau khi đã tốt nghiệp đại học ngành thương mãi ở Cal State Northridge, Trâm Lê cùng với một người bạn nghỉ học một thời gian, bỏ sang New York mở tiệm móng tay. Trong thời gian 5 năm cho tới năm 2000, Trâm Lê yểm trợ được cho nhóm, nhưng vẫn nghĩ tốt hơn là trực tiếp lo cho ban kịch. Trâm Lê nói rằng năm 2000, cô muốn trở lại nguồn cội, nghĩa là về lại với cộng đồng Nam California.
Những năm kế tiếp, Trâm Lê thích thú lăn mình vào những công tác văn hóa có tầm vóc, hy vọng nói lên được tâm tình và khả năng của giới trẻ. Do vậy mà Trâm Lê chỉ mới trở lại nhà trường vào mùa khai giảng năm nay (tháng 9-2004) để theo học tại UCLA về ngành “Asian American Studies”. Tháng 9- 2002 “F.O.B.” ra đời, Trâm Lê lấy nguyên từ “Fresh Off The Boat” một danh từ khinh miệt của dân bản xứ nói tới những người “chân ướt chân ráo” mới đến Mỹ. F.O.B. qui tụ được 40 nghệ sĩ trẻ tuổi trong các ngành điêu khắc, điện ảnh, hội họa, vũ nhạc và những người làm phim tuổi còn rất trẻ. Trâm mang ý kiến này đến cho VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ) và được Y Sa Le là tổng thư ký điều hành của hội hoan nghênh tiếp tay và đứng ra bảo trợ cho công việc làm có ý nghĩa này. Được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng người Việt, lớp người trẻ cũng như giới truyền thông báo chí, F.O.B. đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước mới lên đường của giới trẻ làm kinh ngạc cho quần chúng. Cũng nhờ nhân tốt của F.O.B., nhiều nhà làm phim trong giới tuổi trẻ đã xuất đầu lộ diện (người trẻ nhất mới 17 tuổi) và VAALA, với Trâm Lê là festival director đã gây dựng “Vietnamese International Film Festival” vào tháng 10 năm 2003, mang lại một luồng sinh khí mới, gây một dự kinh ngạc đáng nể trong cộng đồng, không những riêng Việt Nam mà còn trong các cộng đồng bạn, mang một sự hãnh diện cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại.
“The Club O' Noodles Show”: Hiện nay nhóm “Club O' Noodles” đang tập dượt để hoàn thành một DVD mang tên “The Club O' Noodles Show”, sẽ thực hiện quay phim trong hạ tuần tháng 10 và ra mắt cộng đồng hải ngoại vào đầu năm 2005. Lý do dễ hiểu là những vở kịch trình diễn trên sân khấu hạn chế số người xem và dàn dựng tốn kém cho mỗi lần trình diễn. Trái lại DVD sẽ đến tận phòng khách mọi gia đình, đi xa ra ngoài nước Mỹ, cũng như có khả năng về tận quê nhà. Đây là một tài liệu về những con người thật, những khía cạnh thật của cộng đồng Việt Nam, những khuôn mặt mới mẻ của những người trẻ hoạt động trong mọi địa hạt xã hội, kinh tế, văn hóa của hải ngoại. Nhóm “Club O' Noodles” hy vọng sẽ làm nhịp cầu nối giữa hai thế hệ thứ nhất và thứ hai ở Hoa Kỳ, cho giới trẻ quan tâm tới cộng đồng và văn hóa Việt Nam và cho giới lớn tuổi nhìn thấy khả năng và tương lai của những người trẻ...
Ước mơ xa của người hoạt động trẻ tuổi Trâm Lê là một bảo tàng viện nghệ thuật cho Việt Nam ở hải ngoại để dành cho công cuộc sưu tập, triển lãm và trình diễn văn hóa Việt Nam. Ước mơ đó có quá tầm tay, có quá phương tiện của những người đang còn quá trẻ không?
Thế hệ già nua rồi sẽ tàn phai, nhưng chúng ta có quyền hy vọng ở thế hệ tiếp nối, với những con người có tấm lòng với cộng đồng và văn hóa Việt Nam như trường hợp của Trâm Lê.
Huy Phương
Gửi ý kiến của bạn