Trần Mỹ Vân

06/07/201212:12 SA(Xem: 2965)
Trần Mỹ Vân
Tiểu sử

My-VanTranMyVanTran

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Thứ 2, 24 tháng 5 2004

Khách mời của Kerry chính là chị Trần Mỹ Vân, một trí thức và cũng là một trong những người Việt nam đầu tiên được vào quốc tịch Úc.

Hôm nay chị sẽ giải thích lý do tại sao chị đến nước Úc cách đây khoảng 30 năm ...Và kể từ đó cuộc đời chị đã thay đổi ra sao.

Phần đối thoại được ghi âm giữa Trần Mỹ Vân và Kerry Straight


Chào giáo sư Trần Mỹ Vân, cảm ơn chị đã đến đây

Cảm ơn chương trình đã mời tôi hôm nay

Thế này, chị là người Việt nam đầu tiên được nhập quốc tịch Úc. Thực tế chị đã đến với nước Úc trong hoàn cảnh nào?

Lần đầu tôi đến Úc theo chương trình Khối các nước Thịnh vượng chung và tôi đã được học bổng đến đây học. Lúc tôi vào quốc tịch Úc là khi Việt nam rơi vào tay Cộng sản năm 1975.

Có phải rất ít người được trao học bổng đó không?

Ồ vâng, đúng thế. Phải cạnh tranh dữ lắm mới được học bổng đó nên tôi thấy mình may mắn thật. Song tôi nghĩ tôi cũng giỏi đó chứ ( cười)

Hẳn là thế rồi. Rồi khi chị đến đây mọi chuyện ra sao? Kể từ đấy sự nghiệp của chị phát triển thế nào?

Trước hết, việc tôi đến rồi lấy được bằng tiến sĩ ở Úc đã giúp cho tôi nhiều lắm. Tôi định cư trên nước Úc và từ đấy trước mắt tôi đã mở ra nhiều cơ hội, tôi hay đi đây đó, nhưng mang bằng cấp Úc, tôi được thuận lợi khá nhiều. Sau này tôi đã làm việc cho rất nhiều trường Đại học khác nhau . Tôi tham dự nhiều cuộc hội thảo và tôi cũng làm việc với nhiều cộng đồng khác nhau ở nước Úc.

Khi vừa tới Úc, cuộc sống của chị thế nào?

Lúc mới tới đây, thậm chí trước khi đến đây, tôi đã từng ở Hoa kỳ. Ý tôi không phải là tôi bị "sốc văn hoá" nhưng khi đó chính phủ đưa tôi đến sống ở một căn hộ gần khu Kings Cross. Đối với một người đến từ một đất nước đang có chiến tranh như tôi thì cuộc sống nơi đó khá thanh bình song tôi lại muốn khám phá thành phố ấy. Có một chị ở quầy tiếp tân bảo tôi đừng đi lang thang ngoài phố nên tôi hỏi, " Tại sao vậy?Ở đây là xứ tự do mà?" . Và chị ấy trả lời tôi, " Không đâu, con gái nhà lành không nên làm vậy nếu không người ta sẽ nghĩ cô là dân quậy đó" Thế cho nên ấn tượng đầu tiên của tôi về nước Úc chính là tôi phải rất cẩn thận khi đi đó đây.

Thế chị không hề biết gì về tai tiếng của khu Kings Cross sao?

Không, không biết. Tôi làm nhiều bài tập về nước Úc, về dân số đa chủng tộc, cả về lịch sử nước Úc nữa, chỉ vậy thôi đó. Bi nhiêu đó thôi.

Còn cuộc sống thường nhật của chị thì sao nhỉ?Thí dụ như chuyện ăn uống đi lại chẳng hạn?

Do tôi đến đây năm 1972, 73 mà lúc đó thì ít có dân Á Châu lắm, lại còn có chính sách "Dân Úc da trắng" nữa nên ít người Á châu ở đây cho nên lâu lâu tôi phải đi đến tận Sydney để ăn ở một nhà hàng Tàu .

Tôi sống ở Canberra có ít quán Á châu, thực sự cái gì cũng hiếm cả nên tôi phải đi mua gạo và một số thứ tương tự thế để tự nấu ăn. Đám sinh viên Á châu chúng tôi thường tụ tập lại nấu ăn cùng nhau và còn giới thiệu cho dân Úc ăn thử nữa.

Làm vậy chắc chị tự hào lắm

Đúng rồi, theo một y nghĩa nào đó. Nhớ lại hồi đó tôi đã giúp rất nhiều bạn Úc của tôi ăn cơm và xài đũa khi ăn. Lúc mới đầu đồ ăn rớt hết lên vạt áo họ đấy. ( cười)

Lúc mới tới đây chị gặp trở ngại lớn nào nữa không?


Không sao cả vì trước khi đến đây tôi đã có sẵn bằng thạc sĩ và nói tiếng Anh được rồi. Khó khăn duy nhất của tôi lúc đó là tôi nhớ nhà nhiều lắm mà nước mình lại đang có chiến tranh nữa. Tôi ở đây khoảng năm 1973, lúc đó Úc rục rịch rút quân về và coi TV mình có thể thấy nước mình đang từ từ lâm nguy.

Chuyện này ảnh hưởng tới đồng nghiệp và sinh viên tôi dữ lắm, họ ngạc nhiên thấy sao tôi vẫn sống bình thường khi điều kiện đất nước mình đang chiến tranh khốc liệt như thế. Họ không thể tin tôi "bình thường" như thế được.

Khi đó chị có tự xoay sở cho cuộc sống của mình không?

Vâng, nhờ có học bổng nên tôi tự sống được.

Còn gia đình chị lúc đó thì sao?

Họ sống ở Việt nam và lúc chính quyền sụp đổ, rơi vào tay Cộng sản, tôi mất hẳn liên lạc, không thể nào liên hệ được với ai trong gia đình hết, nên tôi buồn lắm. Không cách nào tìm ra người thân mình nhưng ít năm sau thì mọi chuyện cũng ổn, tôi đã liên lạc với gia đình mình. Song cũng trong 2 năm trời đó tôi hầu như không biết họ sống chết ra sao nữa.

Vào giai đoạn đó phải nói rằng rất nhiều sinh viên và đồng nghiệp cố gắng làm tôi vui lên. Nhưng họ khó mà hiểu nổi mối liên hệ gia đình của mình nó quan trọng với mình như thế nào . Rất là khó cho họ hiểu được điều đó.

Thế sao đó chuyện gì xảy ra cho gia đình của chị và làm thế nào họ sang Úc được?

Tôi phải mất rất nhiều thời gian để kiếm ra gia đình và bảo lãnh qua đây. Một số thì đi vượt biên, nhu anh trai tôi chẳng hạn, còn má tôi thì tôi bảo lãnh nhưng lâu lắm, rất là lâu cả gia đình mới đi thoát hết. Cứ từng bước một.

Có rất nhiều người Việt nam tới Úc. Chị giúp họ thích ứng với cuộc sống mới ra sao?

Ồ vâng, tôi đã giúp nhiều cấp độ khác nhau nhưng lúc mới đầu, khi tôi còn ở trường đại học tại Darwin, tôi nhiệt tình giúp đỡ tận gốc những thuyền nhân mới từ Việt nam qua. Họ chẳng hề biết họ thực sự đang ở đâu trên đất Úc thế nên chúng tôi giúp họ an cư, chẳng hạn như tôi phải giúp họ đi cách ly kiểm dịch, rồi giúp họ khi thấy thổ dân nữa. Họ sửng sốt không thể tin được. Họ đến Úc, tưởng rằng đến một nước hoàn toàn là người da trắng, thế mà…thực sự tôi giúp họ nhiều lắm.

Rồi tôi còn nhớ họ hay hỏi tôi thức ăn gì thế này, tôi bảo họ, " À dân Úc ăn mấy thứ này đấy". Thế là họ , " ồ không, không thể nào" ( cười)

Họ không thích đồ ăn Úc sao?

Có chứ, song khi mình cho họ đủ các loại thịt heo thì họ tự nấu theo kiểu của họ, cũng tốt thôi. Rất là thú vị là, nhất là con nít, khi vừa tới nơi ngay lập tức cứ mong sắp sửa thấy tuyết, mà anh biết đó, tháng 12 ở Darwin nóng biết bao nhiêu, cho nên họ cứ hỏi, chừng nào họ mới được thấy tuyết đây? Dễ thương lắm.

Họ có kể cho chị họ đã chịu đựng những khó khăn gian khổ như thế nào không?

Ồ, tất nhiên là có rồi. Rất nhiều gia đình đi thoát nhưng cũng có nhiều người đã bỏ mạng trên biển cả, thỉnh thoảng chúng ta có thể thấy một số thuyền nhưng thật sự chỉ có 1-2 chiếc là đi được tới Úc.Thế nên, đúng vậy, luôn có nhiều câu chuyện như thế nhưng thời gian trôi qua và họ cố quên đi quá khứ, bỏ lại quá khứ đàng sau.

Nhưng tất nhiên là họ vẫn còn nghĩ về nó và điều cơ bản là họ đã sống qua thời chinh chiến hay họ bị đói, và cha mẹ hay có thể anh chị em gì đó của họ bị giết, cho nên có rất nhiều câu chuyện đại loại như vậy.

Chị nói mọi chuyện đều thay đổi theo thời gian. Vậy còn cộng đồng người Việt ở Úc đã thay đổi ra sao kể từ những năm 70?

Thế này, chúng ta tính từ thời điểm năm 1975 khi Việt nam sụp đổ, và chỉ đến năm 1976 mới có thuyền nhân đầu tiên đến nước Úc, có 5 người thôi nhưng sau đó làn sóng người Việt tràn đến năm 1978. Nên nếu chúng ta nhìn lại, năm 1976 lúc tôi vừa lấy được bằng tiến sĩ, chỉ mới có 300 người Việt thôi song bây giờ có hơn 150 ngàn người, nếu tính luôn trẻ con thì lên tới 180 ngàn, hiện giờ có rất nhiều người Việt

Tôi từng chứng kiến sự thay đổi và tôi rất ấn tượng với lớp trẻ, thế hệ thứ hai mà tôi gọi là dân Úc tiêu biểu. Chúng nói rặt tiếng Úc song chúng vẫn rất quan tâm đến nhà mình và hiện nay chúng tôi có khá nhiều báo chí của người Việt, nhiều nhà hàng, các cơ quan tổ chức cộng đồng Việt, không chỉ cho người lớn tuổi mà còn cho thanh niên, cho phụ nữ và cả giới cựu quân nhân nữa, cho nên có thể nói cộng đồng người Việt chúng tôi khá lớn đấy chứ.

Còn những mẫu chuyện về những gương thành công trong cộng đồng người Việt thì sao?

Thật ra cũng có khá nhiều những tấm gương như vậy. Nhiều gia đình có con cái toàn là nha sĩ, bác sĩ hoặc cũng có nhà làm ăn buôn bán thành công, đi du lịch khắp nơi trên thế giới và còn có du thuyền riêng nữa chứ. Giai đoạn vất vả coi như đã qua hết rồi, đặc biệt là đối với lớp trẻ bây giờ, có nhiều gia đình có tới năm người làm bác sĩ, thế là quá tuyệt rồi còn gì nữa.

Riêng đối với các bậc cha mẹ họ luôn tri ân nước Úc đã cho họ một mái nhà nương tựa. Những người này từng phải làm việc cực khổ song họ cũng gặt hái được kết quả tốt đó chứ vì họ đã đầu tư hết vào con cái, cho con cái ăn học đàng hoàng cho nên nhờ thế họ đã có được thành quả ngày hôm nay.

Chị có nghĩ người Úc có một số thành kiến về dân nhập cư không?

Tôi nghĩ chỉ vì chưa hiểu biết về người ta thôi, mà lấy tôi làm ví dụ nè, lúc tôi mới qua đây tôi đã được ăn học đàng hoàng rồi nhưng người ta thấy tôi từ Việt nam đến nên cứ cho rằng tôi chắc nghèo hèn lắm và có lẽ nhìn tôi chắc cũng giống như dân đói khát dù thật ra tại tạc người tôi thanh mảnh. Rồi khi dân tôi đến đây, họ lại cho rằng chúng tôi cướp mất công ăn việc làm của họ, làm gánh nặng cho nước Ùc. Điều đó hoàn toàn là thành kiến sai lệch.

Nhưng đồng thời cũng có nhiều người Úc họ tốt lắm, họ chào đón chúng tôi đến đây và...dù sao thì có một số người, chúng ta quen họ, làm bạn với họ, rồi họ bắt đầu hỏi han về đất nước chúng ta sau đó dần dần họ mới hiểu chúng ta hơn.

Mà anh thấy đó, dân Việt thật ra không mong mỏi gì hơn là có một chỗ nương tựa nên chúng tôi chỉ cần thế và luôn biết ơn vì điều đó, cho nên những vấn đề khác, chẳng hạn như nạn phân biệt chủng tộc ít nhiều, cũng không làm cho chúng tôi nghĩ khác đi về nước Úc, một đất nước rất tốt, rất tử tế.

Chị vừa kể một chút về chuyện người ta đối xử với chị như thế nào và với cộng đồng của chị như thế nào. Vậy chị có thể cho biết cách chị được đối xử ngày xưa với những người mới di cư bây giờ có gì giống nhau không?

Nói chung, tôi thấy chúng tôi đều đã từng được đối xử khá tốt. Dĩ nhiên chúng tôi được cho nhà ở và điều này đối với chúng tôi hết sức quan trọng. Chúng tôi đã đầu tư tất cả vào con cái, vào giáo dục và đối với tôi, được ăn học đàng hoàng chính là được ban sức mạnh.

Nhưng đối với những người mới nhập cư hiện nay, thật không may lại trùng với thời điểm thế giới chống nạn khủng bố nên những nhóm mới tới, ít nhiều xuất thân từ vùng Trung Đông, bị dân Úc hơi lạnh nhạt, và theo tôi chuyện đó hơi khó khăn cho họ...

Người Úc chưa sẵn sàng tiếp nhận họ. Tôi nghĩ người Úc chưa biết nhiều về những nước Trung đông. Tôi nghĩ người ta sợ vì nhìn vô mấy nước đó toàn thấy chiến tranh. Họ cần tìm hiểu nhiều hơn.

Để gút lại vấn đề, theo chị có cách nào giải quyết nguy cơ chia rẽ sắc tộc ở nước Úc hay không?

Trước hết, xin cảm ơn câu hỏi của anh dù đây là câu hỏi rất khó vì tôi liên quan tới vấn đề nhập cư từ hồi xa xưa rồi. Tôi chỉ thấy thế này: chúng ta không thể nào quay lại chính sách Toàn dân Úc là da trắng được. Dù sao đây cũng là mảnh đất cho người di cư và anh cứ nghĩ đi, anh có 140 nhóm sắc tộc thì tất nhiên anh phải có một xã hội đa văn hoá thôi.

Như vậy càng làm cho xã hôi phong phú đa dạng nhiều màu sắc, sôi động hơn, tất nhiên càng tốt hơn. Tôi nghiệm ra từ chính bản thân mình đây, rất thú vị khi mà anh đi tới Chợ Trung tâm và anh thấy người ta bán cả mì ống lẫn bạc hà. Thật là dễ thương khi mọi người đều mang theo bản sắc của địa phương mình. Cũng tương tự như một quốc gia cô lập hoàn toàn không hay chút nào nhất là trong thời đại hiện nay chúng ta cần quan hệ giao lưu buôn bán với nhiều khu vực khác. Tôi cho rằng xã hội đa văn hoá là cách tốt nhất chúng ta có thể theo.

Đồng thời anh cũng cho người ta một cảm giác được chọn lựa, cảm giác được phụ thuộc vào điều gì đó vì anh biết đấy, chính quyền hay dân Úc người ta không bao giờ tẩy chay anh với lý do anh không phải là dân gốc Ăng lê. Tôi nghĩ quan trọng là mình phải cho người ta cảm giác được tin tưởng, rồi người ta mới có cơ hội toả sáng.

Xin cảm ơn chị Mỹ Vân đã đến và trò chuyện với chúng tôi.

Cảm ơn các bạn đã mời tôi đến. Tôi thật sự thấy rất vinh dự được kể về hoàn cảnh của mình cũng như những câu chuyện về cộng đồng người Việt của chúng tôi.

http://australianetwork.com/nexus/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn