Tiểu sử
NỮ VĂN HÀO DA ĐEN TONI MORRISON (1931 - )
Phạm Văn Tuấn.
Tony Morrison là một trong các nhà văn danh tiếng, quan trọng nhất hiện nay tại Châu Mỹ. Vào năm 1970 khi tác phẩm “Mắt Xanh Nhất” (The Bluest Eye) xuất hiện, Toni Morrison chỉ được công nhận là một nữ tiểu thuyết gia “da đen”, nhưng sau các cuốn truyện “Sula” (1973), “Bài Ca của Solomon” (Song of Solomon, 1977) và “Tar Baby” (1981), Tony Morrison đã nhận thêm những lời khen ngợi của giới văn học.
1/ Thiếu thời của Toni Morrison.
Toni Morrison có tên thật là Chloe Anthony Wofford, chào đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1931, là người con thứ hai trong gia đình bốn người, đã trưởng thành tại thị trấn Lorain gần thành phố Cleveland, thuộc tiểu bang Ohio. Đây là một thị trấn chuyên về ngành thép với dân số vào khoảng 75,000 người gồm các sắc tộc Ái Nhĩ Lan, Tiệp Khắc, Đức, Hy Lạp, Ý, Serbia, Mễ Tây Cơ và người da đen. Tại môi trường đa văn hóa này, Toni Morrison đã sống biệt lập và không gặp nghịch cảnh kỳ thị màu da như các nhà văn da đen khác, chẳng hạn như Maya Angelou, Dick Gregory và Richard Wright. Ông ngoại của Toni Morrison là John Solomon và bà ngoại là Ardelia Willis, họ là những người da đen di cư từ Alabama vào năm 1912. Ông Solomon là một người thợ mộc, một nông dân gốc Kentucky nhưng vì nhận thấy không có cơ hội thăng tiến vì cảnh nghèo đói và kỳ thị, nên đã di chuyển lên tiểu bang Ohio. Từ ông ngoại, Toni Morrison được nghe kể lại những câu chuyện kinh hãi của đời sống da đen trong thời kỳ tái xây dựng, vào khoảng 12 năm sau Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Cha của Toni Morrison là George Wofford, một người da đen trồng hoa màu ăn chia nhưng vì các áp chế chủng tộc tại tiểu bang Georgia, nên phải chạy lên mạn Bắc, vì thế ông ta “không tin mọi lời nói, mọi cử chỉ của người da trắng trên trái đất”. Trái lại, mẹ của Toni là bà Ramah Willis Wofford lại là một người có giáo dục cao hơn, không có thành kiến chua cay về các liên hệ chủng tộc, đã tín nhiệm các người khác hơn ông chồng.
Toni Morrison được nuôi dưỡng trong một môi trường đầy đủ giáo huấn và tôn giáo, bà đã viết rằng “chúng tôi được dạy dỗ rằng là các cá nhân, chúng tôi có giá trị”. Toni Morrison được nghe kể về những hoàn cảnh nguy hiểm và vinh quang trong lịch sử của người da đen nhờ ông bà ngoại. Tại bậc tiểu học, Toni Morrison đã mong muốn vượt lên bằng cách chăm học, chăm đọc sách, đọc say mê các tác phẩm của Gustave Flaubert và Jane Austen cũng như của các tiểu thuyết gia người Nga thuộc thế kỷ 19.
Sau bốn năm trường tại thị trấn Lorain, chuyên học tiếng La Tinh và các tác phẩm danh tiếng của các tiểu thuyết gia người Pháp, Anh và Nga, Toni Morrison tốt nghiệp Trung Học vào năm 1949 với hạng cao, rồi yêu cầu gia đình cho theo bậc đại học, đây là một điều khác thường bởi vì người phụ nữ da đen vào thời kỳ đó chỉ nghĩ tới bổn phận nội trợ trong gia đình.Toni Morrison ghi danh theo Đại Học Howard nằm trong Thủ Đô D.C., và công trình học vấn này đã khiến cho người cha phải lãnh thêm công việc để kiếm đủ số tiền cần thiết cho gia đình, như thợ hàn, người rửa xe hơi. . .
Chính tại Đại Học Howard, Toni Morrison đã đổi tên từ Chloe Anthony thành Toni và theo học những bậc thầy của phong trào bảo vệ người da màu như nhà thơ Sterling Brown, nhà triết học Alain Locke kiêm “phê bình gia và học giả Rhodes” và đây cũng là nhà biên tập của tờ báo “Người Da Đen Mới” (the New Negro). Tại Đại Học Howard chuyên giáo dục sinh viên da đen, Toni Morrison tìm hiểu văn chương của các văn hào danh tiếng như Shakespeare, Hawthorne, Melville và Wordsworth và cũng tham gia vào ban kịch Howard Unity Players, đi trình diễn tại các tiểu bang Miền Nam vào thời kỳ trước khi có phong trào tranh đấu cho Dân Quyền của người da đen. Toni Morrison tốt nghiệp đại học với văn bằng Cử Nhân (B.A.) vào năm 1953 rồi hai năm sau, 1955, hoàn thành chương trình Cao Học (Master's) Ngôn Ngữ Anh tại Đại Học Cornell, tập trung nghiên cứu các tác phẩm của Virginia Woolf và William Faulkner.
2/ Thời kỳ giảng dạy và sáng tác.
Từ năm 1955, Toni Morrison bắt đầu giảng dạy môn Anh Ngữ và Khoa Học Xã Hội tại Đại Học Texas Southern University trong thành phố Houston, rồi làm giảng viên môn tiếng Anh tại Đại Học Howard trong tám năm, 1957-64. Trong số các sinh viên của bà, có hai người nổi danh là những nhà hoạt động cho phong trào Dân Quyền, đó là Stokely Carmichael và Claude Brown, tác giả của cuốn truyện “Đứa con trai trên Miền Đất Hứa” (Manchild in the Promised Land). Năm 1957, Toni lập gia đình với kiến trúc sư gốc người Jamaica tên là Harold Morrison và họ có một con trai tên là Harold Ford sinh năm 1962. Cuộc hôn nhân này bị chấm dứt vào năm 1965 và bà Toni trở về thị trấn Lorrain sống trong một năm rưỡi.
Chính trong thời gian chào đời người con thứ hai tên là Slade Kevin và cũng trong hoàn cảnh cô đơn này, Toni Morrison trở lại với văn chương, tìm cách viết ra một loại truyện mà chính mình cần tìm đọc trước kia. Năm 1966, bà Morrison tham gia một nhóm chủ trương văn học bằng các truyện ngắn, một việc làm quen thuộc từ thời trung học của bà. Từ năm 1967 tới năm 1983, Toni Morrison làm biên tập viên các sách giáo khoa (textbook editor) cho nhà xuất bản Random House tại thành phố Syracuse, tiểu bang New York, rồi sau đó trở thành nhà biên tập thâm niên (senior editor), làm việc cho cơ sở xuất bản gốc đặt tại thành phố New York.
Trong hai thập niên 1960 và 1970, tại Hoa Kỳ đã có một số người da đen danh tiếng như Angela Davis, Toni Cade Bambara, Wesley Brown, Gayle Jones và Muhammad Ali, và thị trường các sách truyện viết về người da đen cũng bắt đầu phát triển. Nhà xuất bản Random House muốn có các truyện kể về người da đen do các nhà văn da đen sáng tác. Năm 1968, Toni Morrison hoàn thành cuốn truyện “Mắt Xanh Nhất” (the Bluest Eye), mô tả một nạn nhân bị mang thai, một đứa trẻ không được yêu thương, một thiếu nữ sống bên lề gia đình và xã hội. Đây là cuốn truyện kể về một cô gái nhỏ da đen, muốn sửa chữa các khuyết điểm của mình bằng cách cầu xin Thượng Đế cho mình một đôi mắt xanh. Sau vài lần bị từ chối, cuốn truyện “Mắt Xanh Nhất” được nhà xuất bản Holt, Rinehart & Winston phổ biến. Bốn năm sau, Toni Morrison viết xong cuốn truyện thứ hai tên là “Sula” qua đó tác giả mô tả các giới hạn của người phụ nữ da đen. Tác phẩm “Sula” được xuất bản vào năm 1973 đã khiến cho tác giả lãnh Giải Thưởng Sách Quốc Gia (a National Book Award) và được công nhận là một tài năng trên bình diện quốc gia.
Tony Morrison nhận chức Giáo Sư Thỉnh Giảng tại Đại Học Yale từ năm 1975 tới năm 1977 và tại Đại Học Bard (Bard College) trong hai năm 1979 - 80. Bà Morrison giảng dạy môn học viết văn sáng tạo (creative writing) và nền Văn Chương Mỹ Da Đen (African-American literature). Do nhu cầu muốn diễn tả cách nhận định và hiện thực, do chịu ảnh hưởng từ sự qua đời của người cha, nhà văn nữ này thuật lại một nhân vật tên là Milkman Dead, khi đi tìm tài sản bị mất của gia đình, đã khám phá ra lịch sử của dòng họ. Đây là tác phẩm “Bài Ca của Solomon” (Song of Solomon, 1977), một cuốn truyện tập trung vào các người nô lệ da đen. Cuốn này trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất (a best-seller), đã mang về cho Toni Morrison Giải Thưởng Quốc Gia Phê Bình Sách (the National Book Critics Circle Award) cũng như Giải Thưởng của Hàn Lâm Viện và Viện Nghệ Thuật và Mỹ Tự Hoa Kỳ (the American Academy and Institute of Arts and Letters Award). Sự thành công của cuốn truyện này cùng với loạt bài phỏng vấn tác giả của Dick Cavett và loạt chương trình truyền hình PBS về “Các Nhà Văn của Hoa Kỳ” (Writers in America) đã đưa Toni Morrison lên hàng đầu. “Bài Ca của Solomon” cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về người da đen được Hội Sách Trong Tháng (Book-of-the-Month-Club) chọn lựa, sau tác phẩm “Đứa con trai quê hương” (Native Son, 1940) của Richard Wright . Nữ văn sĩ Toni Morrison còn được Tổng Thống Jimmy Carter mời vào Hội Đồng Nghệ Thuật Quốc Gia (the National Council on the Arts).
Tác phẩm thứ tư của Toni Morrison có tên là “Tar Baby” (1981) mô tả một người đàn ông da đen và một người đàn bà đã gặp thất bại trong việc duy trì mối liên hệ tình cảm bởi vì sự khác biệt giữa các giai cấp. Cuốn tiểu thuyết này cũng trở nên thứ bán chạy nhất (a best-seller) khiến cho tờ Tuần Báo Newsweek phải đưa hình tác giả lên bìa báo và Toni Morrison được ca ngợi là “nhà văn da đen hàng đầu” của Hoa Kỳ.
Sau khi được trường Đại Học Tiểu Bang New York tại thành phố Albany mời giữ chức vụ “Giáo Sư Albert Schweitzer về Khoa Xã Hội Học” (Humanities), Toni Morrison từ chức khỏi nhà xuất bản Random House vào năm 1984.
Vào tháng 1 năm 1986, Viện Nhà Văn Tiểu Bang New York (the New York State Writers Institute) đặt nữ văn sĩ Toni Morrison viết vở kịch “Emmett Mơ Mộng” (Deaming Emmett) để diễn tả cái chết bi thảm của em bé Emmett Till gây ra do các người kỳ thị màu da vào thập niên 1950. Tới năm 1987, cuốn tiểu thuyết “Người Thương” (Beloved) được nhiều người coi là tác phẩm thành công nhất của Toni Morrison. Đây là câu chuyện kể về cô Sethe, một người mẹ giết chết đứa con gái của mình hơn là để nó lớn lên thành một người nô lệ. Tác phẩm khai thác nhiều chủ đề phức tạp, kể cả sự liên hệ của người da đen vào chế độ nô lệ và tác giả đã dùng tới nhiều khung thời gian (timeframes) và các đột biến, chứng tỏ tài năng kể chuyện độc đáo của tác giả, khiến cho độc giả phải chấp nhận các bất thường là hiện thực.
Cuốn tiểu thuyết “Người Thương” của Toni Morrison cũng trở nên tác phẩm bán chạy nhất (a best-seller) giống như hai tiểu thuyết trước kia, ngoài ra còn mang lại cho tác giả “Giải Thưởng Pulitzer” về chuyện sáng tác (fiction). Giải Thưởng uy tín này xác nhận Toni Morrison là nhà văn viết tiểu thuyết xuất sắc và bà Morrison được mời giữ chức vụ “Giáo Sư Robert F. Goheen của bộ môn Xã Hội Học” tại Đại Học Princeton.
Các sáng tác kế tiếp của Toni Morrison gồm hai cuốn tiểu thuyết “Jazz” (1992) và “Thiên Đường” (Paradise, 1998). Đây là cuốn truyện thứ bẩy trong đó tác giả mô tả thị xã Ruby da đen và cuộc quấy phá của một nhóm người đàn ông tại một cộng đồng nhỏ gồm toàn phụ nữ sống bên lề của thị xã. Năm 1992, Nữ Văn Hào Toni Morrison cũng cho xuất bản cuốn sách không-hư-cấu (nonfiction) gồm các bài luận văn, có tên là “Chơi trong bóng tối : bạch hóa và trí tưởng tượng trong văn chương” (Playing in the Dark : Whiteness and the Literary Imagination).
3/ Vài nhận xét về Toni Morrison.
Toni Morrison đã mô tả về chính mình, một nhà văn, như sau : “khi bạn cầm bút viết, không phải vì bạn có các câu trả lời. . . mà bởi vì bạn không có", và "câu trả lời duy nhất mà bạn thực sự có, đó là công trình mà bạn đang làm". Tác phẩm của Toni Morrison là một tiến trình, đầu tiên do cảm hứng rồi bị kiểm soát do trí thức. Trước khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết, nhà văn nữ này đã nghiền ngẫm đề tài và suy nghĩ về thể văn, viết xuống các bình luận của mình về các diễn tiến của câu chuyện và bà Morrison đã nói :”có thể tôi đã suy nghĩ hai năm trước khi viết ra một câu văn trên mặt giấy”. Bà đã cứu xét các cảm xúc, ngôn từ, phép ẩn ý (metaphor) khiến cho các đoạn văn ăn khớp vào toàn thể câu chuyện và tác giả còn bỏ nhiều thời giờ để thử nghiệm mọi cách tiếp cận, duyệt xét từng phần và làm cho các đoạn văn thêm phần bóng bẩy. Vì thế kết quả là một thể văn đặc biệt nhờ sự pha trộn khác thường của tầm xa tưởng tượng với cách quyết định về cấu trúc cuốn truyện.
Toni Morrison muốn phục hồi thứ ngôn ngữ mà chủng tộc da đen đã dùng theo năng lực sơ khởi, đó là thứ tiếng nói giống như của âm nhạc, chứa đựng bên trong các truyền thống đặc thù. Nhà văn nữ này viết ra các tiểu thuyết diễn tả các cảm xúc từ các người không phải là các nhà văn, không do một tác giả kể lại câu chuyện mà tới từ nhiều hướng khác nhau. Cách tiếp cận này có thể là hỗn loạn nhưng không phải vậy, bởi vì bên trong tác phẩm vẫn có một thứ tiếng nói hướng dẫn, mặc dù nghe được từ mọi hướng mà không dễ gì nhận biết được, bởi vì tác giả đã tránh né cách dùng quan điểm cá nhân, đơn giản. Tác giả cố gắng tạo ra các ảo tưởng rằng quan điểm thuộc về nhiều nhân vật và câu chuyện vẫn tiếp tục như được kể lại không phải do một nhân vật đặc biệt nào.
Các công trình văn học của Toni Morrison có thể so sánh với các tác phẩm của Văn Hào William Faulkner bởi vì phẩm chất “lời nói” (oral quality) của cả hai tác giả. Toni Morrison rất đặc biệt trong khu vực “văn chương làng xã” (village literature) do trọng tâm câu chuyện được tập trung vào một nhóm người đặc biệt, cư ngụ tại một nơi hẻo lánh. Tác giả đề cập tới lớp người da đen, sắc dân quen thuộc của nhà văn, nhưng tác phẩm của bà Morrison lại không mang tính tự thuật. Tác giả mô tả các nhân vật trong truyện do cách quan sát cẩn thận, do pha trộn bên trong các màu sắc, các con số, các hình bóng của đời sống hàng ngày và độc giả nhận ra thế giới bên ngoài đã nhìn các nhân vật đó ra sao đồng thời các nhân vật đó, bằng con mắt của chính họ, quan niệm thế giới bên ngoài như thế nào.
Khi viết truyện, Toni Morrison có một chủ đích rõ ràng. Qua các tác phẩm, bà kể lại các cuộc đời và những mối bận tâm của cộng đồng da đen miền Trung Tây Hoa Kỳ (Midwestern), mô tả các tranh đấu, các niềm vui của họ trên con đường tự tìm hiểu, thực chất của họ ra sao, nhận thức của họ thế nào và tác giả đã khéo léo pha trộn hai loại hiện thực và siêu thực để khám phá ra những yếu tố ma thuật (magical elements) của đời sống hàng ngày.
Các tác phẩm của Toni Morrison đã soi sáng một số kinh nghiệm nhiều mặt, các loại tâm lý của cộng đồng da đen và chính các tác phẩm này lại bị ảnh hưởng bởi lịch sử, bởi các ảnh hưởng hỗ tương của chủng tộc, giai cấp và giới tính. Các tác phẩm của Toni Morrison cũng tấn công một số giá trị được lưu giữ trong xã hội Hoa Kỳ, đó là sự đề cao tính thuần phục (domesticity) và bản tính thực (true womanhood) của phụ nữ, sự đề cao tình yêu lý tưởng, các tiêu chuẩn mẫu mực về vẻ đẹp, về đạo đức làm việc theo đạo Tin Lành, sự đề cao chế độ tư bản và tính ưu việt của nền văn hóa tây phương, của nền kỹ thuật mới. Địa vị của Toni Morrison được thiết lập một phần trên cơ sở văn học sẵn có, một phần trên nền văn hóa của sắc dân thiểu số da màu. Toni Morrison mô tả các kinh nghiệm của người da đen trong nền văn hóa da trắng và tác giả ở vị thế “người đứng ngoài từ bên trong” (outsider within status) để qua lại giữa các biên giới ngăn cách các chủng tộc, giai cấp và văn hóa.
Toni Morrison dùng tới các cách đối xử gia đình, các biện chứng xã hội (social dialectic) và sử dụng cả các yếu tố siêu nhiên (supernatural elements) trong một số câu chuyện kể về nhiều gia đình da đen và độc giả được chia xẻ với tác giả cách ý thức kép (double-consciousness) trong cuộc hành trình đi tìm kiếm tầm hiểu biết và sự thật.
Toni Morrison đã nhận Giải Thưởng Sách Quốc Gia (the National Book Award), Giải Thưởng truyện tiểu thuyết của Hiệp Hội Quốc Gia Phê Bình Sách (the Fiction Award of the National Book Critics Circle), Giải Thưởng của Hàn Lâm Viện và Viện Nghệ Thuật và Mỹ Tự Hoa Kỳ (the American Academy and Institute of Arts and Letters Award) và gần đây nhất, tác phẩm “Người Thương” (Beloved, 1987) của Bà đã đoạt “Giải Thưởng Pulitzer”. Vào năm 1993, Nữ Văn Hào Toni Morrison đoạt “Giải Thưởng Nobel về Văn Chương”, trị giá $825,000 Mỹ kim do các tác phẩm đã sáng tạo.
Phạm Văn Tuấn.
Gửi ý kiến của bạn