Tiểu sử
THIÊN Y A NA THÁNH MẪU
Trich tu: CAC NU THAN VIET NAM
Tac Gia: Do Thi Hao - Mai Thi Ngoc Chuc
Ngày xưa ở xã Đại An gần cù lao Huân, tỉnh Khánh Hòa có hai vợ chồng một ông lão không có con cái gì cả. Ông bà ở trong một căn nhà dựng bên vách núi, làm nghề thrồng dưa để kiếm sống. Nhưng lạ thay cứ mỗi khi dưa chín thì lại bị hái trộm. Hình như kẻ trộm không cốt hái dưa để ăn hay để bán kiếm lời, vì chỉ trộm đâu chừng một quả, hái xong lại vứt ra đó không mang đi.
Hai ông bà để ý rình xem. Một đêm trăng sáng, đứng nấp một nơi, ông bà trông thấy một cô bé trạc mười ba mười bốn tuổi, rón rén vào rừng, hái một trái, cầm chơi ngắm nghía. Vợ chồng ông lão xuất kỳ bất ý chạy ra túm lấy tay cô căn vặn ngọn ngành. Cô gái cho biết là thân phận mồ côi, không nơi nương tựa. Ông bà thương sót, nhận cô làm con nuôi, chăm sóc chẳng khác gì con đẻ.
Một hôm gặp cơn mưa lũ, mọi người ở nhà không đi làm. Cô bé nhặt những hòn đá đắp thành núi giả để chơi. Ông bà thấy thế cho là kiêng, trách mắng cô. Cô tủi thân khóc lóc. Ngoài bờ biển sóng dâng lên cao, nước chảy cuồn cuộn. Một cây gỗ kỳ nam ở đâu, trôi lại, dập dềnh ở sát bờ. Cô gái bổng nhập vào cây gỗ ấy, mặc cho sóng biển cuốn đi.
Cây gỗ trôi mãi đến phương Bắc thì dạt vào đất liền. Dân địa phương rủ nhau ra vớt, nhưng cây gỗ quá nặng, hàng trăm người xúm tay mà không sao nhích nổi. Tiếng đồi về cây gỗ kỳ lạ lan rộng khắp nơi.
Bấy giờ hoàng tử ở phương Bắc, đang kén vợ, đi chu du để kiếm người xứng đáng. Nghe chuyện câu gỗ, hoàng tử tìm đến. Lạ lùng thay, khi hoàng tử vừa chạm đến cây gỗ, thì cây gỗ theo tay lên ngay. Chàng liền mang về cung điện. Từ đó, nhiều lần, những đêm trăng sáng, hoàng tử thấy từ trong thân gỗ bước ra một người con gái đẹp tuyệt trần, hương thơm theo gót nàng tỏa ra ngào ngạt. Hoàng tử giấu cây gỗ vào một nơi khác để cho nàng không biến mất đi. Đoạn chàng tâu chuyện với vua cha. Nhà vua cho bói thấy được quả tốt liền cho hoàng tử cưới nàng làm vợ. Cuộc sum vầy đôi lứa thật dồi dào hạnh phúc. Nàng sinh được một con gái tên Quý, một con trai tên Tri ( có nơi nói là tên Truy). Tình vợ chồng đang đầm thắm mặn nồng, thì cô gái động lòng nhớ quê hương. Cô tìm ra chỗ chồng dấu cây gỗ kỳ nam, rồi cùng với hai con nhập vào thân cây đó. Cây gỗ lại trôi về phương Nam, đến đúng cù lao Huân thủa trước. Nhưng cha mẹ nuôi cô đã mất cả rồi. Cô ở lại lập đền thờ cha mẹ, cùng dân làng khai khẩn ruộng vườn, làm cho quê hương trở nên đông vui giàu có. Cho đến một ngày quang đãng, mọi người ngạc nhiên thấy cô cùng hai con bay vút lên trời. Cô gái đã trở về cõi tiên xa xôi huyền diệu.
Ở phương Bắc, hoàng tử thấy vợ và hai con mất tích liền ra lệnh cho dân chúng đi tìm, nhưng tuyệt cô âm tín. Chàng cùng với một số thủy thủ vượt biển, thì giữa trùng dương, sóng to gió lớn nổi lên, thuyền bị đắm và chìn xuống đáy biển (*). Sau đó ở cửa biển thấy có một phiến đá nổi lên, trên có những nét chữ ngoằn ngoèo, không ai đọc được.
Nàng tiên tuy đã về với trời, nhưng sau đó vẫn còn hiển linh khắp nơi như H, cù lao Huân, cứu nhân độ thế , ai cầu gì được nấy. Dân chúng xa gần đều phục oai linh của bà. Tại vùng biển Nha Trang, bà được tôn là Chúa Ngọc. Ở Huế, bà dược tôn là Chúa Tiên. Hiện nay được gọi là Thiên Y Na Thánh mẫu. Triều đình nhà Nguyễn thì phong là Hồng Nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần.
Tại Nha Trang, dân chúng cũng xây dựng một cái tháp cao để thờ bà, lại xây cả tháp và miếu thờ hoàng tử, hai con cùng ông bà cha mẹ nuôi của bà. Bia đặt ở tháp do ông Phan Thanh giản soạn (*)
(*)Ở Bình Trị Thiên, dân gian còn kể chuyện hơi khác về đoạn này. Nội dung là hoàng tử phương Bắc sau này phụ bạc nên đã bị bà trừng phạt bằng cách niệm chú cho núi đá rơi xuống đè chìm thuyền của ông.
(*) Câu chuyện Thiên Y A Na Thánh Mẫu này thực ra có nguồn gốc từ thần thoại Chàm Inưvưga, được biến dạng và phong kiến hóa.
Ốc Hương sưa tầm
Gửi ý kiến của bạn