Thư Nhà

15/11/20069:31 CH(Xem: 2327)
Thư Nhà
Thư Nhà

Mẹ yêu dấu của con,

Con vừa mới từ giã Munich sau gần năm ngày ở thăm vợ chồng anh Phương. Bên ngoài khung cửa hẹp của chiếc phản lực đang băng qua Đại Tây Dương đưa con trở về Texas, những đám mây trắng bay lơ lửng làm con nhớ mẹ quá đỗi, nên con muốn viết ngay cho mẹ.

Mẹ ơi, mấy hôm rồi, hai anh em con ngồi ôn lại chuện cũ ba mươi năm qua. Chuyện của những ngày sau khi anh rời nước, đi Đức du học. Con kể cho anh nghe về cơn bệnh nặng mẹ mắc phải, sau khi tiễn anh đến một nơi chốn thật lạ với mẹ, với anh và với tất cả nhà ta. Mẹ những tưởng, sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại anh, nên lòng thương nhớ và sự tuyệt vọng đã khiến mẹ nhuốm bệnh.

Mẹ ơi, để con kể cho mẹ nghe về những ngày con ở chơi với anh chị nha mẹ. Mẹ biết không, đón con ở phi trường, anh ôm con mừng rỡ. Đầu anh bạc trắng, mới nhìn, tưởng như một... ông cụ. (Ấy! mẹ đừng có thảng thốt chứ, để con kể tiếp đã nào!) Nhưng nhìn kỹ một tí, thì anh không già lắm đâu. Da chỉ mới bắt đầu có vài nét nhăn rất nhỏ thôi. Người thì hãy còn tráng kiện lắm. "Thằng con trai khờ khạo của mẹ" bây giờ cũng đã năm mươi ngoài rồi mẹ ạ. Thế đấy, mà cuối tuần, anh vẫn còn có thú vui đạp xe đạp quanh bờ hồ Chiemsee. Vòng hồ dài hơn năm chục cây số đó mẹ. Anh bảo vừa đạp xe vừa ngắm cảnh, mỗi vòng hồ cũng mất năm hay sáu tiếng đồng hồ. Hoặc là anh leo núi suốt ngày, hay tản bộ trong công viên của lâu đài Koenigsee do vua Ludwig II xây từ thế kỷ thứ mười tám.

Hôm đầu tiên con đến, anh dẫn con vào phòng làm việc của anh. Anh bảo anh sẽ cho con xem "cái này" hay lắm. Anh mở tủ, lôi ra một cái thùng lớn, rồi hỏi con:
"Em có biết cái gì trong này không?" Con lắc đầu, anh lại thách
"Em thử đoán coi là cái gì?" Con tiếp tục lắc đầu:
"Không, em không đoán được đâu!"
Mà thật, làm sao con ngờ được "cái này" của anh là những bức thư của nhà đã gởi qua cho anh trong suốt thời gian anh ở xa. Anh đánh số thứ tự trên mỗi phong bì theo ngày nhận được trước hay sau. Cầm bao thư số một lên, con thấy tên người gởi là anh Hai, lòng con bồi hồi. Anh Phương bảo:
"Em đọc đi!"

Con chậm rãi mở thư ra đọc. Chỉ được gần một phần ba lá thư thôi, là nước mắt con dàn dụa. Anh Hai, với lời lẽ rất là... "anh hai", dù hơn Phương có ba tuổi, đã ra cái vẻ "quyền huynh thế phụ." Anh Hai ân cần dặn dò "thằng em khờ khạo" mười tám tuổi, trong khi chính mình cũng vừa mới hai mươi mốt tuổi đời!

Mẹ ơi, anh em con ngồi đọc lại những lá thư của hơn ba mươi năm về trước, kỷ niệm lại hiện về. Con nhớ những ngày chúng con ở chung dưới một mái nhà, với sự thương yêu của mẹ. Dù trải qua bao nhiêu giông tố, mẹ vẫn luôn luôn lo cho chúng con đầy đủ. Oan nghiệt xảy đến cho mẹ khi bao nhiêu tiền dành dụm để mua một căn nhà ở Đà Nẵng, gần nhà dì Viên, bị ba đem vào sòng bạc thua sạch. Mẹ đã khóc ròng một trận. Rồi mẹ lại lăn xả vào làm việc, thức hôm dậy sớm, làm những chiếc bánh in bỏ mối cho dì Viên bán. Nghe lời một người bạn, mẹ đóng chuồng, nuôi chim Bồ câu, bán cho những tiệm cao lâu. Bán chim con, mẹ thu được nhiều tiền. Nhưng được chừng vài tháng, thì có thầy Tâm Hòa, từ Huế vào thăm. Khi thầy về lại Huế, mẹ đã bỏ hết chuồng, không nuôi nữa. Dạo đó, con còn thật nhỏ, nên không hiểu tại sao không dưng mẹ lại bỏ cái mối lợi to lớn như vậy. Mãi về sau, mẹ mới kể lại là thầy hỏi mẹ nếu có ai bắt tụi con đem bán thì mẹ có đau lòng không. Và vì vậy mà mẹ không nuôi chim bồ câu để bán nữa.

Mẹ ơi, anh em con mê mải đọc lại những bức thư nhà. Thư của "cô Tư" là nhiều nhất. (Anh Phương làm bộ chững chạc, gọi con là cô Tư.) Chả là lúc đó con mới mười lăm tuổi, đang học lớp đệ tam, nên bài vở chưa nhiều, do đó có nhiều thì giờ để viết thư "thăm chừng" ông anh "khờ khạo" cho mẹ. Thư cô Tư thường là kể chuyện nhà, tường trình những chuyện xảy ra trong gia đình cho anh Phương biết. Nhưng không có bức thư nào viết về mẹ đang bệnh nặng cả. Anh hỏi con:
"Sao em không nói chuyện mẹ bệnh gì hết vậy?"
Con lau nước mắt:
"Mẹ bảo không được nói, chỉ làm anh lo, không học hành được."

Đến bức thư thứ mười bốn mới là thư của mẹ. Hai anh em con đã khóc nhiều hơn khi cùng đọc thư mẹ. Lời thư của mẹ mộc mạc, nhưng đầy thân thương. Những bức thư của mẹ, cái nào cũng có câu: "Sau này mấy anh em nhớ thương yêu nhau, đùm bọc nhau..."

Ước nguyện của mẹ chỉ đơn giản có vậy thôi, mà bây giờ chúng con cũng không làm được. Không phải chúng con không thương nhau, hay không muốn đùm bọc nhau đâu mẹ ạ. Mà bởi vì sự phức tạp của cuộc sống đã đưa tới những khác biệt, làm cho có sự bất hòa giữa chúng con mà thôi!

Mẹ còn nhớ không, những năm tháng đầu của cuộc sống nơi xứ người, khi chưa biết tin về anh Hai, mẹ đã thương nhớ đến muộn phiền. Rồi khi có tin thì lại là tin anh ở trong trại cải tạo. Mẹ con mình đã cố dành dụm để lo gởi tiền về cho chị Hai thăm nuôi anh và lo cho hai cháu. Đến khi anh ra khỏi trại cải tạo, chúng con đã cùng mẹ gom góp thật khó nhọc để mong bảo trợ được gia đình anh Hai qua Mỹ. Rồi mẹ lìa trần, bỏ cuộc, chúng con lại cùng nhau tiếp tục làm việc này.

Nhưng khi được đoàn tụ, thì lại có biết bao nhiêu là khó khăn. Gần hai mươi năm sống với chế độ mới, anh Hai không còn là "anh Hai" nữa mẹ ạ. Nhưng thôi, chuyện này con không nên than vãn phải không mẹ? Ai lại đi đổ hết cho thời cuộc thì...tầm thường quá, phải không mẹ?

Mẹ ơi, con tin rằng, chúng con vẫn thương nhau như hồi còn bé mẹ ạ. Nếu mẹ nhìn thấy được cách "anh Ba" săn sóc con, mẹ sẽ không thể ngờ được một đứa đã ngoài năm mươi, mà đứa kia cũng chỉ ba tuổi kém!

Mỗi sáng, anh dậy sớm, pha cafe, hai anh em ngồi uống cafe và nói chuyện. Chờ đến tám giờ, tiệm bánh đầu ngõ mở cửa, hai anh em cùng đi mua bánh mì. Rồi khi mọi người thức dậy, thì cả bốn đứa ăn sáng, sửa soạn thức ăn trưa mang theo và đi chơi cho tới tối mịt mới về.

Về đến nhà, anh vào bếp nấu cơm tối. (Chị Ba là người Đức, không rành nấu bếp nên anh tự tay nấu lấy.) Anh nấu món chay tây phương ngon tuyệt. Spaghetti, anh dùng đậu hủ thế thịt, phần còn lại anh dùng toàn rau tươi, hái từ khuôn vườn nhỏ của anh chị. Phụ anh làm bếp, con không khỏi nhớ lại ngày còn nhỏ dại. Lúc nào Phương cũng bị coi là "khờ", nên công việc dạo đó của anh là xách nước tưới cây trong vườn. Bây giờ anh không "khờ" nữa đâu mẹ ạ. Anh lanh lợi đi chợ nấu nướng, lại còn là "xếp" của một công ty làm xe hơi nổi tiếng trên thế giới nữa mẹ à.

Đó! Mẹ thấy chưa, tụi con vẫn còn thương nhau và chăm sóc cho nhau lắm chứ. Anh vẫn còn phụ giúp cho Út, mỗi khi em bị khó khăn về tài chánh. Có lẽ sợ con cành nanh hay sao đó, mà anh đã cầm tay con, nói: "Trong nhà, anh thương em nhất, nhưng anh phải lo cho Út vì nó nghèo..." Con chỉ mỉm cười không nói gì. Anh đâu có biết là con cũng chỉ muốn anh giúp Út thôi. Phần con, lúc nào cũng cảm nhận được sự may mắn của mình, nên rất hạnh phúc với những gì con đang có.

Chuyến đi này của con, anh Phương đã dành lo hết mọi chi phí cho chúng con, khi chúng con ở chơi với anh chị. Điều này cũng đã làm con áy náy quá rồi! Nhưng anh nói:
"Cả hai mươi mấy năm nay, em đã từng lo lắng săn sóc cho biết bao nhiêu người rồi. Bây giờ là lúc em phải để cho anh thể hiện quyền làm anh Ba của anh."

Mẹ ơi, những ngày ở thăm anh Phương, chúng con đã có dịp ôn lại chuyện ngày xưa, khi anh em chúng con được quây quần bên mẹ. Vật chất không được sung túc như nhà các bác, các chú, nhưng tình thương của mẹ luôn luôn chan hòa. Con bỗng nhận ra là gần đây con sống rất nghèo, nghèo tình anh em, vì chúng con không hòa thuận như ngày xưa. Con nhận ra là con không đủ lòng từ mẫn để hy sinh, chịu đựng hơn cho anh Hai có dịp đổi thay. Con mãi trách móc anh Hai tệ bạc với chúng con mà quên mất chắc mình cũng có điều cố chấp.

Mẹ ơi, chúng con đã chưa làm tròn được niềm ước nguyện đơn sơ của mẹ lúc sinh tiền. Riêng con, con vẫn chưa thực hành đúng như những gì con đã học được với Thầy con. Lời thầy con vẫn dạy:
"Nếu có một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương... thì ta hãy đem lòng lân mẫn của ta mà thương yêu họ để giúp họ có cơ hội tu học như ta..."

Mùa Vu Lan năm nay, con sẽ không lên chùa xin sớ cầu siêu cho mẹ. Vì con tin rằng mẹ đã siêu thoát. Con xin hứa với mẹ là con sẽ cố gắng làm mọi việc để anh em con hòa thuận lại như xưa, như những lời mẹ đã từng dặn dò trong những bức thư mà con vừa được đọc lại. Có lẽ đây là món quà mà mẹ thích nhất trong mùa Vu Lan này, phải không mẹ của con?

HiềnVy (Kristine N)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn